Để di sản “sống khỏe”

- Di sản ngày nay đã tạo động lực cho phát triển du lịch, trở thành một bộ phận của ngành "công nghiệp không khói". Thực tế, để di sản "sống khỏe" và bền vững, cần gắn bảo tồn với khai thác, cùng với đó là huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng để phát huy giá trị của những di sản này.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Tuyên Quang miền đất lưu giữ hàng trăm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng với 660 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phải kể đến: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Danh thắng Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình... Tuyên Quang cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia. 

Lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tỉnh có 40 lễ hội đặc sắc, tiêu biểu Lễ hội Thành Tuyên, đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Tuyên Quang. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: "Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày" (Lâm Bình); "Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn" ở xã Hồng Quang (Lâm Bình); "Lễ hội đình Hồng Thái" ở xã Tân Trào (Sơn Dương)…  Đặc biệt, hát Then ở Tuyên Quang đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ những giá trị to lớn của quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cùng bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, mang đặc trưng của tỉnh.

Khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương).

Thời gian qua, tỉnh xác định bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa, du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Vì vậy, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa như: Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2030; Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025 và Kế hoạch phát triển du lịch hằng năm nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch một cách bền vững, thực hiện mục tiêu đưa du lịch Tuyên Quang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 28/02/2023 Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang...

Tỉnh đã xác định một số nội dung trọng tâm về nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nhằm phục vụ phát triển du lịch tại tỉnh. Trong đó tập trung đầu tư đồng bộ, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch; quy hoạch chi tiết đối với các di tích để giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các di tích; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, làm biến dạng môi trường cảnh quan.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch đến năm 2025; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai Dự án bảo quản tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị khu di tích với nhiều hạng mục công trình có giá trị lịch sử, văn hóa: Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, Bảo tàng Tân Trào, Quảng trường Tân Trào… nhằm cơ bản đáp ứng tiêu chí khu du lịch quốc gia vào năm 2025.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng những giải pháp phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa để thu hút khách du lịch góp phần tạo nguồn thu, làm cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch khai thác các yếu tố văn hóa đặc trưng vùng miền để tạo tính cạnh tranh với các tỉnh khác. Đồng thời tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp khai thác, đầu tư; nhận thức của cộng đồng dân cư và du khách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, gìn giữ môi trường không gian di sản văn hóa, không gian du lịch theo hướng bảo vệ và phát triển một cách bền vững.

Tỉnh đang tiếp tục xây dựng chiến lược tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di sản văn hóa. Chủ động hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh Tây Bắc, để phát triển nguồn lực văn hóa di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn liền với phát triển du lịch. Cùng với đó là liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, hiệp hội du lịch trong và ngoài tỉnh kết nối các tour, tuyến điểm du lịch; đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch trong lĩnh vực di sản văn hóa về đất và người Xứ Tuyên…

Có thể thấy, sản phẩm du lịch văn hóa đã được các địa phương khai thác, xây dựng thành thế mạnh du lịch, tạo sự khác biệt. Các sản phẩm du lịch văn hóa khá đa dạng từ tham quan di tích lịch sử văn hóa, hoạt động nghệ thuật đến tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, phong tục địa phương, thưởng thức ẩm thực.

Phát huy giá trị di sản từ cộng đồng

Huyện Lâm Bình, nơi sinh sống của 10 dân tộc anh em,  mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa với nhiều trò chơi, lễ hội dân gian truyền thống... Để khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch, huyện đã chú trọng khôi phục, duy trì, nâng cao chất lượng các lễ hội Nhảy lửa người Pà Thẻn, lễ hội Lồng tông, làng nghề truyền thống, nhà trình tường... Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm: làm bánh, xôi ngũ sắc, giã cốm,  đốt lửa trại, nhảy sạp, nghe hát Then đàn Tính, hát Cọi… tại các điểm du lịch cộng đồng tại thôn Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm; thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà; thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn…

Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo đánh giá của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, thời gian qua, các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn huyện được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, đa dạng. Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc từng bước được bảo tồn, phát huy tác dụng và phục dựng đưa vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân. Đặc biệt, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và du khách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, gìn giữ môi trường không gian văn hóa, không gian du lịch theo hướng bảo vệ và phát triển một cách bền vững.

Không chỉ Lâm Bình, nhiều địa phương đã và đang làm tốt công tác đưa di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng. Những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc được hội tụ từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca, dân vũ đã trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo nơi đây. Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa) cho biết, ông rất mừng bởi hát Then của đồng bào dân tộc Tày đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay hát Then ngày càng được quan tâm gìn giữ và phát huy, được biểu diễn ở nhiều lễ hội, các hoạt động văn nghệ, biểu diễn phục vụ du khách. Ở nơi ông sinh sống, số người tham gia học, hát Then tại các câu lạc bộ ngày càng tăng, hoạt động của các câu lạc bộ ngày càng quy củ, chất lượng. Hát Then làm cho các lễ hội hấp dẫn hơn, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt của dân tộc và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân và du khách. 

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, gắn bảo tồn với khai thác du lịch để di sản được "sống", ngành sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và cộng đồng giữ vững giá trị bản sắc văn hóa. Ngành tăng cường hơn nữa việc xúc tiến quảng bá các hoạt động lễ hội truyền thống; tập trung bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch; chú trọng công tác tuyên truyền về di tích như sách cẩm nang về di tích. Đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực từ xã hội trong công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích… để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục